Vào lúc 9h ngày 30/10 tới đây tại Đường sách TP.HCM, tập tùy bút Ba - Món quà vô giá (NXB Tổng hợp TP.HCM) của Ngô Thị Thu An sẽ có buổi ra mắt bạn đọc. Đây không chỉ là quyển sách đầu tay của một nhà báo U60 viết về người cha thân thương, mà còn là một dạng tác phẩm ít gặp trên thị trường sách Việt Nam.
Mới đây, tại ĐH Sư Phạm Hà Nội, cô Nguyễn Thị Quỳnh Nga - giáo viên môn văn trường THCS Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội đã bảo vệ xuất sắc luận văn thạc sĩ văn học với đề tài: "Thế giới nghệ thuật thơ Trương Nam Hương".
1. Với người viết, quyển sách đầu tiên trong đời quan trọng lắm. Không khác gì người nam/nữ lần thứ nhất trong đời se duyên kết tóc. Sau này, có trục trặc đổ vỡ, có “đi bước nữa”, dù có ấm êm hơn lần trước, thì dấu ấn ban đầu của cuộc hôn nhân đó cũng rất khó quên. Suy nghĩ từ về việc viết sách đầu tay, áp vào chuyện hôn nhân liệu có đúng? Không rõ.
Nhưng với tác phẩm đầu tay của nhà báo Ngô Thị Thu An, viết về cha giản dị của mình, tôi nghĩ đời người chỉ có thể vận dụng toàn bộ nội lực để viết nên một quyển như thế. Một khi viết về đấng sinh thành, nhất là người cha thương yêu, khó có thể trở lại đề tài này lần thứ hai, vì bao nhiêu chan chứa, kỷ niệm đã trình bày hết trên các dòng chữ rồi.
Nhà báo Ngô Thị Thu An
Một quyển sách mà, như tác giả bộc bạch: “Tôi cũng, để an ủi rằng ba vẫn mãi còn đây, bên cạnh tôi, trong huyết quản tôi, trong nụ cười tôi, trong từng giọt nước mắt đang rơi của tôi, dẫn dắt tôi, chở che tôi trên con đường đời thăm thẳm còn lại của một kiếp người”.
Khi đọc tập sách này, nhà thơ Trương Nam Hương đã chia sẻ: “Viết về cha bút rưng rưng/ Tháng năm đổ bóng xuống từng trang văn/ Nắng mưa vầng trán tuổi hằn/ Lo văn nhẹ trước nặng oằn tình cha”.
Đúng thế, viết về cha của mình thì ai cũng có nỗi lo ấy. Lo những gì mình đã viết ra cũng quá nhẹ so với tình sâu nghĩa nặng mà người cha đã dành cho mình từ thơ bé đến mãi về sau. Xưa nay, đã có nhiều tác phẩm viết về mẹ rồi, trong khi đó, bóng dáng của cha dường như vẫn xa khuất đâu đó, có phải do mình thương cha ít hơn thương mẹ?
Tập tùy bút “Ba - Món quà vô giá” của Ngô Thị Thu An vừa phát hành
Theo họa sĩ Bùi Đức Lâm, người vẽ tranh minh họa cho tập sách này, thì: “Chỉ khi khôn lớn, có gia đình riêng, trở thành những ông bố bà mẹ rồi, những đứa con mới có dịp soi chiếu để có cái nhìn công bằng hơn với cha mình. Rằng cha luôn yêu thương con, nhưng không bao giờ nói ra, rằng cha luôn cho con cảm giác an toàn nhất, rằng cha luôn dành cho con thứ hoàn hảo nhất mà cha có. Và rằng chúng ta đã có một người cha tuyệt vời, nhưng sự tuyệt vời đó chỉ được nhận ra khi chúng ta đã trưởng thành, thậm chí khi ta đã già”.
Vậy, một khi đã trưởng thành, chúng ta sẽ dành nhiều thời gian nghĩ/viết về cha mẹ chăng? Chưa chắc. Người ta bảo “nước mắt chảy xuôi”, do đó, trong khoảng thời gia ấy ta sẽ nghĩ/viết dành cho con? Cũng chưa chắc. Vì viết về người thân, về gia đình, tưởng là dễ, nhưng chưa bao giờ là dễ cả, thậm chí ít khi là đề tài thôi thúc ta phải cầm bút viết. Lạ vậy đó. Nên viết tình cảm, sâu lắng về cha như Ngô Thị Thu An, vừa hiếm vừa khó.
Tập tùy bút có nhiều minh họa của họa sĩ Bùi Đức Lâm
2. 30 năm kiếm sống chỉ bằng nghề viết báo, được tòa soạn phần công viết về lãnh vực văn hóa văn nghệ, đến nay, có một trường hợp tôi khó quên. Rằng, ngày nọ, chừng mươi năm trước, có một “tay mơ” nhảy vào làng in ấn - đã làm một cú ngoạn mục khiến các tay lão làng kinh ngạc, thán phục. Đó là lúc hắn ta cho in một quyển sách cực kỳ đơn giản, thế mà bán chạy ầm ầm. Quyển sách này dịch từ nguyên bản nước ngoài, chỉ là những trang dành cho bà mẹ sinh con đầu lòng. Đại khái, tên tuổi, ngày tháng năm sinh; tuần lễ đầu và tiếp theo, con có những biểu hiện gì; cao bao nhiêu, cân nặng bao nhiêu ký; trang dán hình của con; trong những ngày đó, bố mẹ có những kỷ niệm gì với con; con biết nói ngày nào v.v… Chỉ đơn giản vậy thôi, sách in đẹp, khổ lớn và bất ngờ là lúc đó nó bán rất chạy.
Thì ra, với quyển sách ấy, tựa như những trang dành cho nhật ký mà bất kỳ bà mẹ nào cũng cần sử dụng - như một cách chia sẻ kỷ niệm, tình cảm dành cho con. Và chắc chắn, sau này, một khi đã trưởng thành, ắt đây là “báu vật”, là quà tặng của mẹ mà đứa trẻ nhớ nhất trong đời. Ghi lại đôi dòng từ quan sát con thuở nó còn thơ ấu, không chỉ là niềm vui, mà cũng là một cách để nhận ra và khắc phục các biểu hiện của trẻ về sức khỏe, tâm lý, tính cách… nữa.
Từ trái qua: Nhà thơ Trương Nam Hương, Ngô Thị Thu An và nhà thơ Lê Minh Quốc
Với phụ nữ Việt Nam, trước đây, hình thức này vẫn chưa quen với nhiều người, bởi một phần do cơm áo gạo tiền, chật vật kiếm sống, rồi chiến tranh, thiên tai lũ lụt… biết bao nhiêu chuyện phải lo toan, do đó, họ ít có thời gian thực hiện. Ngày nay, các bà mẹ “bỉm sữa” đã khác trước. Đã có những bà mẹ, ông bố trẻ viết/vẽ từ cảm hứng khi quan sát con từng ngày khôn lớn, nhưng vẫn chưa nhiều.
Dám quả quyết rằng, khi các bậc phụ huynh lấy cảm hứng từ con mình để sáng tác thì cũng là lúc từ câu chuyện có tính cách riêng tư ấy, lại mang tính phổ quát dành cho nhiều người. Thật đấy. Tập thơ Nghệ thuật làm ông của văn hào Victor Hugo là một thí dụ tiêu biểu, trong đó có các câu như: “Đẹp sao con trẻ! Với đôi môi chum chúm đáng yêu/ Lòng em dịu hiền tin cậy, giọng em muốn nói muôn điều/ Tiếng khóc em dễ dàng chóng nín/ Đưa mắt khắp nơi nhìn ngạc nhiên thương mến” (Xuân Diệu dịch). Lẩn thẩn nghĩ rằng, những đứa trẻ sau này lớn lên, đọc/nhìn lại những gì đã được bố mẹ, ông bà ghi/vẽ lại khoảnh khắc của thời thơ ấu ấy sẽ sung sướng, hạnh phúc biết dường nào?
Vậy thì, tại sao mỗi một chúng ta không thử bắt tay vào ngay trong ngày hôm nay? Tại sao không thực hiện cái điều mà nhiều người đã từng ao ước, như Xuân Diệu chẳng hạn. Ông thủ thỉ, tâm tình: “Tôi ao ước, riêng cho mình, được làm một tập thơ chuyên nói lòng cha mẹ, ông bà, cô, bác, người lớn yêu thương trẻ con; khi mà đã yêu thương chúng thì yêu lạ lùng, yêu đến da diết, thiết tha; tóc chen những sợi bạc rồi, càng thêm tuổi, càng yêu mầm non, măng non, trẻ con, ánh sáng” (trích trong Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy, NXB Tác phẩm mới, 1978, trang 298).
Vẫn biết là thế, nhưng hỡi ôi thị trường sách Việt Nam vẫn chưa nhiều tác phẩm gần gũi như vừa trình bày. Mà, sách loại này, thiết nghĩ ai cũng có thể viết được, nếu tự lòng mình bao giờ cũng ngân nga cung bậc đa sắc của tình yêu thiêng liêng về người thân, ruột thịt. Vâng, đúng là thế! Cho nên, trường hợp tập tùy bút Ba - Món quà vô giá của Ngô Thị Thu An càng là một thí dụ sinh động.
“Chúng ta đã có một người cha tuyệt vời, nhưng sự tuyệt vời đó chỉ được nhận ra khi chúng ta đã trưởng thành, thậm chí khi ta đã già” – họa sĩ Bùi Đức Lâm.
|
Lê Minh Quốc