Có một Đà Lạt ở Myanmar
(Dulich - Thethaovanhoa.vn) - Ai đã mang Đà Lạt đến tận xử sở xa xôi này, khi chiếc xe bus cọc cạnh vừa bò qua khỏi một con đèo nhỏ tôi cứ ngỡ mình vừa qua đèo Prenn, không khí mát lạnh lùa qua ô cửa kính xe, trước mắt là những đồi thông xanh ngắt, vài vạt dã quỳ sắp tàn dọc theo những con dốc đất đỏ.
- Câu chuyện du lịch: Biển Cổ Thạch & cung đường 'sa mạc' như mơ
- Câu chuyện du lịch: Tháng 9 về Tây Bắc, ngắm ruộng bậc thang đẹp mê hồn
- Câu chuyện du lịch: Tại sao đi Australia một lần là nhớ cả đời?
- Câu chuyện du lịch: Khám phá những thành phố lãng mạn nhất Châu Âu
Kalaw không phải là điểm đến nổi tiếng, du khách chỉ dừng chân ở đây một hai ngày để mua tour trek về Inle Lake, một nơi “phải đến" của du lịch Myanmar. Trung tâm thị trấn được khoảng 500m chiều dài, dọc theo con đường chính với đầy đủ quán ăn, khách sạn, đại lý du lịch và khu chợ nhỏ.
Một bản làng của người thiểu số của Kalaw
Tôi để hành lý lại nhà nghỉ, khoác áo lạnh ra phố, phố vắng và buồn, chợ buổi chiều cũng thưa người, những cơn gió se sắt và một màn sương khi ẩn khi hiện, cảnh này làm lòng tôi chùng xuống, tôi muốn nói chuyện với ai đó quá, muốn được cười giòn với những câu đùa, nhưng không có ai quen biết, không gì nối kết tôi với nơi này, tôi chỉ biết mình thích nó nhưng sẽ gần gũi hơn nếu như có ai chờ tôi ở đây.
Chiều xuống, gió càng lạnh hơn, tôi chậm rãi đi lên một tu viện trên cao, sao mọi thứ cứ cố tình vắng ngắt như thế, tu viện rộng mênh mông mà đi quanh không thấy một bóng người. Tôi chọn một ghế đá nhìn xuống thị trấn và tự gậm nhấm nỗi buồn của mình.
Nhà của thị trấn Kalaw
Bỗng nhiên một vị tu sĩ già đến bên tôi hỏi chuyện, tiếng Anh của Ông không tốt lắm những cũng đủ để tôi hiểu những câu chuyện không đầu không cuối, đủ để tôi ấm lòng hơn đôi chút khi chỉ có một mình, mà trời thì mỗi lúc một chiều.
Sáng hôm sau thức dậy tâm trạng đã khá hơn nhiều, tôi mua một tour hiking trong ngày đi vào một vài bản làng của người thiểu số. Dẫn đường cho tôi là Thu Thu hiền lành chỉ mới tầm mười tám tuổi. Càng đi tôi càng nhận ra nơi này giống Đà Lạt quá, những căn biệt thự trong rừng thông, nhà ga nhỏ với vài ba chuyến tàu mỗi ngày…
Thu Thu thoăn thoắt đi trước, lâu lâu sực nhớ tôi bị bỏ lại phía sau thì chạy lại cười hối lỗi. Cô kể nhiều câu chuyện về gia đình, về anh bạn trai cùng tuổi, và về cái nghề tour guide đang làm, cô thường dẫn khách từ trung tâm Kalaw về thăm làng mình, nơi ba mẹ cô đang sống trong ngôi nhà có bếp lửa thật ấm, nơi tôi đã được ghé thăm và ngủ 1 giấc trưa yên bình.
Các em nhỏ ở Kalaw cùng món quà là những trái dâu
Thu Thu ghé mua một túi to trái lê xanh và táo, tôi thích mê vi đã từ lâu không dám ăn những thức này ở nhà. Trên đường đi gặp hai đứa trẻ, tôi ngỏ ý muốn cho một ít lê, khi quay đi thấy chúng cứ chạy theo chỉ tay vào giỏ, tưởng rằng chúng muốn xin thêm bỏ vào giỏ nhưng thật ra chúng muốn cho tôi lại một ít dâu. Quả thật là một món quà ngọt ngào.
Quãng đường đi 25km từ sáng tới chiều làm chân mỏi nhừ, tôi chưa bao giờ đi bộ nhiều như vậy, có những lúc tưởng chừng như không thể tiếp tục được nữa nhưng cứ chọn một bãi cỏ êm êm, nằm xuống thư giãn một chút là có thể đứng lên đi tiếp. Tour một ngày như vậy giá 20 USD mà trong đó Thu Thu giành trả tiền ăn trưa, tiền mua nước uống rồi còn mua táo mua lê cho tôi. Đó là công việc hằng ngày của cô, đi bộ 25km hoặc hơn.
Buổi chiều đó, tôi ghé qua một quán ăn nhỏ làm đại lý cho hãng xe từ Kalaw về lại Madalay, chuyến xe 11h đêm đón tôi tại quán ăn sẽ đến Madalay vào lúc sáng sớm. Quay về khách sạn định nghỉ ngơi sau một ngày quá mệt, nhưng dường như tiếc rẻ điều gì, tôi mượn một chiếc xe đạp rồi lại đi vòng quanh.
Một buổi chiều nữa đang rơi nhưng lòng tôi thư thái lạ kì, không còn buồn bã như chiều qua, phải chăng mình đã phải lòng nơi này, dù cũng là lúc sắp phải rời đi, tôi cứ đạp xe đi mãi đi mãi đến tối mịt mới về. Rồi ghé một quán rượu nhỏ với vài du khách khác, nhập bọn với họ trong những câu chuyện rải rác dọc đường, nói cho ngay, thật ra tôi muốn nói chuyện với ai đó.
Khung cảnh yên bình ở Kalaw
Tôi có mặt ở quán ăn trước một giờ vì sợ lỡ chuyến xe, thật bất ngờ là quán đã đóng cửa từ lâu nhưng bác chủ quán vẫn ngồi đợi. Tôi vừa bất ngờ vừa cảm thấy bối rối nhưng bác chỉ nói thấy cháu đi một mình sợ cháu buồn nên bác ngồi đợi với cháu.
Bác người Nepal nhưng sống ở Myanmar từ bé, cả đời hầu như chưa bao giờ ra khỏi Kalaw. Bác với tôi nói chuyện không nhiều, chỉ im lặng ngồi kế bên nhau cho đến khi xe đến. Tôi rời đi xa dần thị trấn nhỏ bé ấy, chỉ kịp vẫy tay chào bác và luôn miệng nói cảm ơn. Thì ra nơi này chiều chuộng tôi đến vậy, tới phút cuối còn gửi tặng tôi một niềm vui âm thầm ấm áp.
Bài & Ảnh: Thảo Uyên
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần