Bayern Munich: Hiểm họa từ bên trong

25/07/2013 15:50 GMT+7 | Đức

(Thethaovanhoa.vn) - Không chỉ Bundesliga đang hướng về Bayern Munich bằng ánh mắt sợ hãi, mà cả Châu Âu cũng đều đang phải dè chừng sức mạnh của nhà ĐKVĐ Champions League. Tuy nhiên, Hùm Xám xứ Bavaria hoàn toàn có thể biến thành người khổng lồ trên đôi chân đất sét, nếu để những hiểm họa từ bên trong bùng phát…


Sammer (phải) và Guardiola liệu có đối đầu nhau?

Trong quá khứ Bayern Munich từng được mệnh danh là FC Hollywood bởi sự phức tạp nơi hậu trường. Dẫu vậy, trong vài năm gần đây, BLĐ đội bóng này đã giải quyết khá tốt vấn đề này, qua đó biến CLB chủ sân Allianz trở thành một tập thể cực kì đoàn kết. Và đó chính là một trong những yếu tố tiên quyết làm nên thành công của Bayern. Thế nhưng, những diễn biến gần đây lại cho thấy có vẻ như nội bộ Hùm Xám vẫn đang tiềm ẩn rất nhiều bất ổn.

Khủng hoảng thừa

Đầu tiên là vấn đề khủng hoảng thừa. Hiện tại, biên chế đội I của Bayern đã lên tới 28 cầu thủ, trong đó có những khu vực cực kì chật chội như hàng tiền vệ khi có tới 13 cầu thủ có thể chơi ở giữa sân. Hơn nữa, việc Guardiola rất ưa thích sử dụng cầu thủ theo kiểu đa năng (ví dụ như mới đây đã đưa Lahm lên đá tiền vệ trung tâm hay dùng Busquets, Mascherano ở cả hai vị trí trung vệ và tiền vệ trụ ở Barca trước kia) càng làm sự cạnh tranh trở nên khốc liệt.

Khủng khiếp nhất có lẽ là vị trí tiền vệ trụ khi có tới 5 cầu thủ (Luiz Gustavo, Javi Martinez, Schweinsteiger, Emre Can và cả tân binh Thiago) đều có thể đảm đương trong khi chỉ có 1 suất đá chính (vì Guardiola áp dụng sơ đồ 4-1-4-1). Trong bối cảnh mùa hè năm tới sẽ diễn ra World Cup, tất nhiên sẽ chẳng ai muốn phải đóng vai “kép phụ” (vì như vậy nhiều khả năng họ sẽ lỡ chuyến tàu đến Brazil).

Môi trường cạnh tranh khắc nghiệt ấy hoàn toàn có thể khiến bầu không khí tại CLB trở nên vô cùng ngột ngạt. Việc phóng viên của TZ Online đã chộp được cảnh Lahm và Rafinha lao vào tẩn nhau ngay trong một buổi tập hôm 9/7 được coi là minh chứng cho sự căng thẳng đang bao trùm Allianz.

Pep và Sammer có nhìn chung một hướng?

2 Đây mới là mùa thứ 2, Matthias Sammer đảm nhiệm cương vị GĐ Thể thao tại Bayern Munich. Dù vậy, tầm ảnh hưởng của cựu danh thủ này là cực lớn. Thậm chí, ở mùa giải năm ngoái, rất nhiều lần Sammer xuất hiện trên băng ghế huấn luyện cùng HLV Heycnkes.

72,47 Là tỉ lệ chiến thắng của Barcelona dưới thời Guardiola sau 247 trận đấu. 100 Tính đến trước trận tranh Hoeness Cup, Guardiola đang duy trì thành tích toàn thắng tại CLB mới.

Song nguy cơ từ cuộc khủng hoảng thừa có lẽ cũng chẳng nguy hiểm bằng cuộc đấu đá nội bộ ở thượng tầng Bayern (nếu điều đó xảy ra). Ai cũng biết, ở Camp Nou, Guardiola là một ông vua thực sự, ông có toàn quyền quyết định mọi thứ liên quan đến chuyên môn. Nhưng vấn đề là ở Munich, Pep không có được thứ vai trò tối thượng ấy. Ông phải chia sẻ nó với BLĐ đội bóng mà đặc biệt là GĐ thể thao Matthias Sammer. Điều đó đã được thể hiện rất rõ qua việc dù Guardiola rất muốn có Neymar, còn Bayern dưới sự đạo diễn của Sammer lại mang về Mario Goetz.

Cả Guardiola và Sammer đều là những người có thừa tài năng cũng như cá tính. Người ta vẫn nói “một rừng không thể có hai hổ”, do đó chuyện Guardiola và Sammer có phát sinh mâu thuẫn cũng chẳng phải là điều gì đáng ngạc nhiên. Mối họa càng trở nên hiển hiện, khi mà Sammer đã có biểu hiện “lấn sân” Guardiola khi mới đây đã phát biểu: “CLB sẽ áp dụng chính sách xoay tua. Các cầu thủ dù là ai cũng sẽ phải chấp nhận với cảnh phải ngồi dự bị. Trên thực tế, những quyết định về mặt chiến thuật như vậy phải thuộc về HLV trưởng chứ không phải GĐ Thể thao. Tất nhiên, Pep cũng chẳng phải tay vừa khi cũng khẳng định quyền lực của mình với tuyên bố: “Các cầu thủ phải hiểu rằng tôi là người chỉ huy của họ”. Cần nhớ rằng, một khi xảy ra tranh chấp giữa GĐ Thể thao và HLV trưởng thì hậu quả sẽ khôn lường. Việc Real Madrid nát như tương sau cuộc đấu đá giữa Valdano và Mourinho có thể coi là một bài học nhãn tiền.

Sau một mùa giải cực kì thành công cùng dàn cầu thủ đang vào độ chín, hiển nhiên Bayern rất khó bị đánh bại, nếu họ không tự “quỳ xuống” như câu thơ của nhà chính trị Jean-Paul Marat đã viết trong cuộc đại cách mạng Pháp thế kỷ 18: “Người ta lớn bởi vì mi quỳ xuống”!

Đức Phan
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm