Australian Open 2025: Djokovic, Sinner, và thời hoàng kim của sự… hòa thuận

16/01/2025 18:40 GMT+7 | Thể thao

Những tranh cãi gần đây liên quan đến Novak Djokovic và Jannik Sinner đã thu hút sự chú ý, nhưng lại là minh chứng cho thấy thời kỳ hiện tại của quần vợt đang ít đi những xung đột căng thẳng.

Khi những câu chuyện mâu thuẫn trở nên hiếm hoi, liệu đây có phải là thời kỳ hoàng kim của sự hòa thuận trong làng quần vợt?

Djokovic không còn thích đối đầu

Novak Djokovic có rất nhiều điều để suy nghĩ khi anh bắt đầu hành trình chinh phục danh hiệu Grand Slam đơn nam thứ 25 tại Australian Open tuần này. Anh đã 37 tuổi. Anh thi đấu khá ít. Anh vừa trải qua một năm chỉ giành được 1 danh hiệu (dù đó là một danh hiệu lớn, HCV Olympic). Và anh phải đối mặt với bảng đấu khó khăn nhất trong nhiều năm, với 3 tay vợt xếp hạng cao nhất đều được dự đoán là đối thủ tiềm năng.

Trong ngày họp báo trước giải đấu, Djokovic đã bác bỏ những kẻ đã "ném đá" anh vì trong một trò chơi liên tưởng từ ngữ với một nhà báo của tạp chí GQ, từ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí anh khi được nhắc đến "Sinner" là "trượt tuyết". Những kẻ gieo rắc thù hận trên mạng đã chỉ trích anh vì thiếu tôn trọng Sinner (một nhà vô địch trượt tuyết trong thời niên thiếu), và câu trả lời của anh rất thẳng thắn: "Vớ vẩn".

Vậy thì sao nếu anh ấy đáp lại "thanh lịch" cho Roger Federer, "kiên trì" cho Rafael Nadal và "quyến rũ" cho Carlos Alcaraz? Có cần phải phân tích sâu để bảo vệ Djokovic không? Tất nhiên là không.

Khi thể thao bỗng trở nên tuyệt vời hơn

Sự việc này là minh chứng rõ ràng cho việc thời điểm hiện tại không mấy mặn mà với những tranh cãi, trừ những câu chuyện doping hóc búa mà chẳng ai hiểu được. Hãy nhìn xung quanh: Chúng ta đang ở trong thời kỳ hoàng kim của sự hòa thuận.

Australian Open 2025: Djokovic, Sinner, và thời hoàng kim của sự… hòa thuận - Ảnh 1.

Không có chuyện Djokovic mỉa mai, xúc phạm Sinner như một số đồn đoán

Tất nhiên, những thanh niên bốc đồng và những kẻ lập dị bẩm sinh vẫn có thể hy vọng vào Nick Kyrgios để tạo ra sự náo loạn. Nhưng dạo gần đây, "ngựa chứng" này đang dần mất đi tầm ảnh hưởng. Kyrgios không còn thi đấu nhiều nữa và đang tìm kiếm sự công nhận trong mối quan hệ bạn bè với Djokovic, người mà anh từng coi là một "công cụ". Sự phẫn nộ của tay vợt người Australia giờ có vẻ như đang diễn.

Còn những cái bắt tay lạnh lùng như giữa Iga Swiatek và Danielle Collins tại United Cup? Thực tế, điều này không khiến ai ngạc nhiên. Đôi khi, vào cuối một trận đấu, một tay vợt sẽ đi ngang qua lưới, vỗ nhẹ vào tay đối thủ mà không cần nhìn vào mắt. Mọi người thường thấy điều đó thật buồn cười và - hãy thực tế - đó chắc chắn là một cách thể hiện sự không hài lòng văn minh hơn là đấm vào hàm đối phương.

Daniil Medvedev, hạt giống số 5 năm nay, thậm chí còn đề xuất rằng các tay vợt nên học cách "quay mặt bên kia". Anh nói với các phóng viên: "Tôi nghĩ chúng ta nên cởi mở hơn với những cái bắt tay lạnh lùng theo một cách nào đó".

Tinh thần thể thao "kiểu Djokovic"

Phản ứng tiêu chuẩn sau hầu hết các trận đấu dao động từ cái bắt tay chiếu lệ mà bạn có thể trao đổi với đối thủ, người vừa "bón hành" cho bạn suốt cả trận, cho đến cái ôm chân thành và cuộc trò chuyện kéo dài. Alexander Zverev, hạt giống số 2 của Australian Open, chia sẻ: "Thường thì đó một cái ôm, đặc biệt là nếu bạn hòa thuận với người đó. Nhưng bản thân tôi đã có một hoặc hai khoảnh khắc mà cái bắt tay có vẻ không được tốt lắm".

Zheng Qinwen, á quân năm ngoái tại Melbourne và hạt giống số 5 năm nay, không thích thái quá theo cả hai hướng sau một trận đấu. Cô ấy cũng là kiểu người nói thật khiến các quan chức quần vợt lo lắng. Cô nói với giới truyền thông: "Không quan trọng tôi thắng hay thua. Tôi luôn bắt tay, nhưng không phải lúc nào cũng bắt tay với khuôn mặt tươi cười. Tôi không thường ôm đối thủ của mình vì tôi cảm thấy điều đó không cần thiết đối với tôi. Tôi đến đây chỉ để thi đấu một trận. Nếu tôi thua, tôi sẽ chỉ dành cho bạn sự tôn trọng cơ bản và thế là đủ".

Sự tôn trọng cũng được thể hiện rõ ràng trong cách Djokovic đánh giá đối thủ của mình. Đôi khi người ta quá chú ý những màn gào thét, thậm chí là xé áo mà dễ dàng bỏ qua yếu tố chuyên môn, với những cú đánh thần sầu hạ gục đối thủ.

Medvedev nói: "Tôi thích phong cách của Novak hơn. Anh ấy có thể rất gay gắt với đội của mình. Bạn có thể thấy anh ấy có thể thất vọng khi đối thủ chơi tốt hoặc điều gì đó. Nhưng sau khi trận đấu kết thúc, anh ấy tự nhủ, 'Xong rồi, trận chiến đã kết thúc', Anh ấy luôn chúc mừng đối thủ của mình, bất kể anh ấy thắng hay thua. Luôn mỉm cười. Tôi thích điều này".

Khi chiến thắng trở thành thói quen, nụ cười cũng vậy.

Phương Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm