50 năm văn học Việt Nam từ 1975 (kỳ 4 & hết): Những "khoảng trống" của lý luận, phê bình

09/12/2024 18:33 GMT+7 | Văn hoá

Cùng với lĩnh vực sáng tác, hoạt động lý luận, phê bình từ sau 1975 đã gặt hái được nhiều thành tựu trên các bình diện đội ngũ, hệ thống lý thuyết, phương pháp, trường phái… góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền văn học Việt Nam qua nửa thế kỷ.

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cũng chỉ rõ, đời sống lý luận, phê bình văn học sau 1975 cũng bộc lộ không ít những hạn chế, đặc biệt tồn tại những "khoảng trống", "món nợ"… cần được giải quyết để mang đến một diện mạo văn học Việt Nam sau 1975 thêm toàn diện hơn, sắc nét hơn.

Nhiều thành tựu quan trọng

Theo PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ (Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương), cùng với sự phát triển mạnh mẽ của văn học Việt Nam, lĩnh vực lý luận, phê bình văn học đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều phương diện.

Đặc biệt, ông Kỷ nhấn mạnh, đến nay có thể khẳng định thành tựu nổi bật nhất trong đời sống lý luận, phê bình văn học sau 1975 là đổi mới về nhận thức và tư duy nghiên cứu văn học. Từ nhãn quan học thuật hiện đại, rộng mở, các nhà lý luận, phê bình đã có những điều chỉnh hợp lý, nhận thức đúng đắn hơn về bản chất, sứ mệnh của văn học và của lý luận, phê bình văn học. Trường, diện nghiên cứu cũng được mở rộng về cả hai phía nội quan và ngoại quan, đặt văn học trong chuyển động văn hóa, văn nghệ.

50 năm văn học Việt Nam từ 1975 (kỳ 4 & hết): Những "khoảng trống" của lý luận, phê bình - Ảnh 1.

Công trình nghiên cứu “Văn nghệ Hà Nội những năm 1947 - 1954” (NXB Hội Nhà văn, 2017) của nhà nghiên cứu Lê Văn Ba

"Chính sự đổi mới trong tư duy, nhận thức mà lý luận, phê bình văn học sau 1975 đã mở rộng tiêu chí đánh giá giá trị văn học trên tinh thần nhân văn hiện đại, "gạn đục khơi trong" để làm giàu có hơn cho nền văn hóa, văn nghệ dân tộc" - ông Kỷ dẫn chứng - "Trong lĩnh vực phê bình, việc mở rộng tiêu chí đánh giá văn học đã giúp các nhà phê bình văn học đánh giá toàn diện, hợp lý, hợp tình hơn đối với nhiều hiện tượng từng bị coi là "phức tạp", "yếu kém", thậm chí "độc hại" về nội dung tư tưởng như Thơ mới, Tự lực văn đoàn, văn học đô thị miền Nam 1954 - 1975…".

Một số hiện tượng nghệ thuật đương đại gây nhiều tranh cãi trong tiếp nhận cũng được quan tâm và bàn luận trên tinh thần đối thoại, cởi mở…

Song, ông Kỷ cho rằng, việc đánh giá lại các hiện tượng văn học này không đồng nghĩa với "lật ngược", "giải thiêng" vấn đề mà là quá trình tiếp cận, phân tích một cách khoa học để chỉ ra những đóng góp và cả những hạn chế, bất cập của đối tượng. Có thể nói, tinh thần khoa học và ý thức đối thoại trong lĩnh vực phê bình chính là thành quả của tiến trình dân chủ hóa trong lĩnh vực văn nghệ từ sau 1975, đặc biệt từ Đổi mới đến nay.

Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp cho rằng, trong lĩnh vực lý luận, phê bình, ý thức đổi mới tư duy nghiên cứu và nỗ lực hiện đại hóa lý luận, phê bình đã giúp cho đời sống lý luận, phê bình có nhiều khởi sắc. Sự thay đổi nhãn quan khoa học, việc mở rộng tiêu chí đánh giá giá trị trên nền tảng nhân văn hiện đại đã giúp cho lý luận, phê bình dần thoát khỏi lối phê bình áp đặt, máy móc, giáo điều.

 "Từ sau 1975, nhiều tư tưởng mỹ học và lý thuyết văn học hiện đại của phương Tây đã được dịch, giới thiệu, vận dụng một cách hiệu quả như thi pháp học, tự sự học, cấu trúc luận, ký hiệu học, nữ quyền luận, phê bình sinh thái, lý thuyết diễn ngôn…" - ông Điệp khẳng định - "Đây là những cú hích quan trọng để lý luận, phê bình văn học sau 1975, đặc biệt từ Đổi mới đến nay có sự đổi mới thực sự, từng bước hội nhập với trình độ nghiên cứu văn học của khu vực và quốc tế.

Vẫn bộc lộ nhiều hạn chế

Những nỗ lực và thành tựu đạt được của hoạt động lý luận, phê bình văn học sau 1975 là không thể phủ nhận. Song, theo nhiều nhà nghiên cứu hoạt động này vẫn bộc lộ nhiều hạn chế đáng kể.

Đơn cử như Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới đã chỉ rõ: "Hoạt động lý luận văn học, nghệ thuật còn lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, giảm sút tác dụng tích cực đối với sáng tác".

50 năm văn học Việt Nam từ 1975 (kỳ 4 & hết): Những "khoảng trống" của lý luận, phê bình - Ảnh 2.

Hoạt động lý luận, phê bình văn học sau năm 1975 ghi nhận nhiều thành tựu

"Hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm, văn hóa phê bình bị hạ thấp...".

Cụ thể hơn, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ nêu ra thực tế, số lượng đội ngũ lý luận, phê bình văn học khá đông đảo nhưng còn hạn chế về năng lực và trình độ, đặc biệt là khả năng cập nhật thành tựu mới của khoa học xã hội và nhân văn hiện đại.

"Lực lượng viết phân bố không đều, chủ yếu tập trung tại các đại học, viện nghiên cứu ở các đô thị lớn, nhưng thưa vắng, thậm chí "trắng địa bàn" ở các địa phương xa trung tâm" - ông Kỷ phân tích - "Việc giới thiệu các khuynh hướng, các công trình học thuật thế giới còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ. Nhiều công trình lý luận, phê bình vẫn tiếp cận văn học bằng kinh nghiệm cũ, bình tán, giảng giải theo mô hình truyền thống".

Hoặc, một hạn chế dễ thấy khác theo nhà nghiên cứu này, đó là tình trạng phê bình cánh hẩu, thù tạc, hoặc viết theo đặt hàng của thị trường, PR, biến phê bình thành quảng cáo diễn ra khá phổ biến.

"Đây là hiện tượng cần được cảnh báo/ngăn chặn kịp thời vì đây là lối phê bình vô thưởng vô phạt, gây nhiễu loạn trong thẩm định, đánh giá. Trong trường hợp này, vai trò định hướng dư luận của phê bình bị triệt tiêu, đời sống tiếp nhận văn học bị méo mó, biến dạng, các giá trị văn học đích thực bị bỏ rơi, không đến được với người đọc" - ông Kỷ bày tỏ.

Còn những "món nợ lòng"…

Cùng với việc tổng kết những thành tựu và hạn chế của công tác lý luận, phê bình văn học từ năm 1975, một số nhà nghiên cứu còn đề cập đến những "khoảng trống" trong lĩnh vực này cần được tiếp tục được lấp đầy, như là những "món nợ" cần phải trả cho lịch sử văn học.

Như lời PGS-TS Văn Giá có một số "món nợ lòng" (chữ dùng của nhà văn Nguyễn Công Hoan) của giới nghiên cứu, lý luận, phê bình đối với 2 thời kỳ văn học: trước và sau 1975.

Cụ thể, theo ông Giá, bộ phận văn học miền Bắc thời kỳ 1945 - 1975 có một số khu vực văn học chưa được tổng soát, đánh giá một cách toàn diện, chính thức. Trước hết, đó là vùng văn học Hà Nội tạm chiếm (1947-1954).

"Hiện nay mới chỉ có công trình nghiên cứu Văn nghệ Hà Nội những năm 1947 - 1954 (NXB Hội Nhà văn, 2017) của nhà nghiên cứu Lê Văn Ba đề cập trực tiếp và có hệ thống đến khu văn học này" - ông Giá phân tích - "Tuy công trình này được ghi nhận như một đột phá khẩu về vùng văn học Hà Nội tạm chiếm 1947 - 1954, nhưng chưa thể nói là đã giải quyết xong xuôi, mà chắc chắn còn cần phải bổ khuyết trên nhiều phương diện nữa".

Một số khu vực văn học khác cũng được nhà phê bình Văn Giá đề cập như những "khoảng trống" mà hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình chưa chạm tới một cách toàn diện và thấu đáo như bộ phận văn học miền Nam 1954 - 1975; bộ phận văn học hải ngoại từ sau 1975…

Ông Giá cho rằng, việc chỉ ra những khoảng trống này là cần thiết để hình dung về bức tranh toàn cảnh, góp phần chỉ chỗ cho hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học hiện nay. "Mỗi thế hệ nghiên cứu đều có những giới hạn của chính thế hệ mình. Hoạt động nghiên cứu là cuộc chạy tiếp sức. Nếu tổ chức tốt, có tính kế hoạch và khoa học cao, những khoảng trống sẽ mau chóng được bổ khuyết".

"Từ sau 1975, nhiều tư tưởng mỹ học và lý thuyết văn học hiện đại của phương Tây đã được dịch, giới thiệu, vận dụng một cách hiệu quả như thi pháp học, tự sự học, cấu trúc luận, ký hiệu học, nữ quyền luận, phê bình sinh thái, lý thuyết diễn ngôn…" - nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp.

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm