Romelu Lukaku: Hãy để tôi kể với bạn câu chuyện này

19/06/2018 14:50 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tôi vẫn nhớ rõ cái khoảnh khắc mình nhận ra gia đình trở nên nghèo túng. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh mẹ đứng cạnh bên tủ lạnh và biểu cảm trên gương mặt bà.

Tôi mới chỉ sáu tuổi khi đó và về nhà để ăn trưa trong giờ nghỉ giữa hai ca học tại trường. Mỗi bữa ăn, mẹ luôn làm hai món quen thuộc: bánh mì và sữa. Khi bạn còn là một đứa trẻ, bạn không hề bận tâm nhiều về chuyện này. Nhưng tôi đoán, đó là hai món mà mẹ đủ khả năng mua được.

Và một ngày tôi trở về nhà, tôi thấy mẹ đứng cạnh tủ lạnh cùng hộp sữa trên tay như mọi khi. Nhưng lần này, bà đang pha loãng nó. Tôi chưa hề hiểu chuyện gì đang diễn ra lúc đó. Mẹ đưa bữa trưa cho tôi và mỉm cười như thể không có chuyện gì đang xảy ra cả. Nhưng tôi nhận ra ngay có gì không ổn.

Sữa đã bị pha loãng với nước. Chúng tôi đã không đủ tài chính để sống qua tuần. Gia đình của tôi không phải chỉ khó khăn đâu. Mà là nghèo túng thực sự.

Chú thích ảnh

Bố tôi từng là một cầu thủ chuyên nghiệp và tiền tài đều đi hết sau khi sự nghiệp của ông kết thúc. Thứ đầu tiên bị cắt chính là truyền hình cáp. Thế là không được coi bóng đá nữa. Không được xem chương trình Match of the Day. Làm gì còn có tín hiệu nữa đâu.

Và một ngày khi tôi về nhà, đèn điện trong căn hộ cũng đột ngột tắt. Nhà không còn có điện trong hai đến ba tuần liền.

Mỗi khi tôi muốn tắm thì cũng chả có nước nóng mà dùng. Mẹ sẽ đun một ấm nước trên bếp và tôi phải dùng một cái cốc để đổ nước nóng lên đầu. Thậm chí có thời điểm, mẹ phải vay mượn tạm vài ổ bánh mì ở tiệm bánh gần nhà. Chủ tiệm quen hai anh em chúng tôi nên họ đồng ý cho mua nợ bánh mì vào hôm thứ Hai và trả tiền vào ngày thứ Sáu mỗi tuần.

Tôi biết cả gia đình đang khó khăn. Nhưng khi đã phải pha loãng nước với sữa, tôi hiểu rằng mọi thứ đã chấm dứt rồi. Bạn hiểu tôi đang nói về chuyện gì chứ? Đó là câu chuyện về cuộc đời của tôi.

Tôi không hề than phiền một lời nào cả. Tôi không muốn mẹ thêm căng thẳng. Tôi chỉ lặng lẽ ăn bữa trưa của mình. Nhưng thề có Chúa, tôi đã có một lời hứa với chính bản thân mình. Như thể có ai đó búng tay trước mặt và đưa tôi về với thực tại vậy. Tôi biết mình cần phải làm gì và sẽ thực hiện nó như thế nào.

Tôi không muốn mẹ của mình sống đời như thế này. Không, tôi không thể để mẹ sống như vậy được. 

Mọi người trong thế giới bóng đá đều thích bàn luận khía cạnh tâm lí. Hừm, tôi có lẽ là chàng trai có tâm lí mạnh mẽ nhất mà bạn từng gặp đấy. Tôi vẫn nhớ những hôm ngồi cùng mẹ và em trai trong bóng tối, cùng nhau cầu nguyện, cùng nghĩ, tin và hiểu rõ chuyện gì đang diễn ra với cuộc sống của chúng tôi.

Chú thích ảnh

Tôi đã giữ kín lời hứa của mình trong một thời gian dài. Và một ngày, tôi về nhà từ trường và nhận ra mẹ đang khóc. Tôi đã nói với bà: “Mẹ, mọi thứ sẽ thay đổi thôi. Mẹ sẽ thấy. Con sẽ chơi bóng cho CLB Anderlecht và điều này sẽ xảy ra sớm thôi. Chúng ta rồi sẽ ổn. Mẹ đừng lo nghĩ nhiều nữa nhé.”

Tôi mới chỉ sáu tuổi vào lúc đó.  Tôi hỏi bố: “Bố bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp từ khi nào?” Ông trả lời: “16 tuổi.” Tôi đáp: “OK, vậy thì 16.” Và chuyện đó chắc chắn sẽ phải xảy ra.

Hãy để tôi kể cho bạn điều này – mỗi lần ra sân đối với tôi đều là một trận chung kết. Kể cả khi tôi chơi bóng ở công viên, đó cũng là một trận chung kết. Trong giờ nghỉ ở nhà trẻ, đó cũng sẽ là trận chung kết. Tôi nghiêm túc thực sự đó. Tôi luôn muốn dứt điểm mạnh đến mức vỡ tung quả bóng trong mỗi cú sút. Sút hết lực có thể. Tôi dứt điểm mà không cần ấn nút R1 đâu. Không cần phải sút kĩ thuật. Tôi làm gì được chơi phiên bản mới của FIFA hồi đó đâu. Tôi còn chẳng có máy PlayStation để chơi. Tôi không đùa đâu đấy. Tôi sẽ muốn “giết” chết bạn.

Thời điểm chiều cao của tôi bắt đầu tăng, tôi đang thi đấu cho đội trẻ của Lierse. Và đã từng có một phụ huynh cản tôi vào sân bóng. Ông ấy hỏi: “Cháu mấy tuổi vậy? Chứng minh thư đâu? Cháu đến từ đâu vậy?”

Tôi chợt nghĩ: “Tôi đến từ đâu ư? Cái gì vậy? Tôi sinh ra ở Antwerp. Tôi sinh ra ở nước Bỉ.”

Bố tôi không có mặt ở đó vì làm gì có xe để tham dự các trận đấu sân khách của tôi. Tôi hoàn toàn cô độc và phải biết cách tự bảo vệ bản thân. Tôi đi lấy chứng minh thư của mình và cho các vị phụ huynh xem. Họ truyền tay nhau và kiểm tra kĩ càng. Tôi còn nhớ cái cảm giác sôi máu trong người… và nghĩ: “Oh, tôi sẽ muốn ‘giết’ con của các vị nhiều hơn. Tôi đã muốn làm điều này từ trước rồi, nhưng giờ tôi sẽ hủy diệt lũ nhóc đó. Tôi sẽ khiến chúng phải khóc trên đường về nhà.”

Chú thích ảnh

Tôi muốn được là cầu thủ vĩ đại nhất nước Bỉ. Đó là mục tiêu của tôi . Không phải là cầu thủ tốt hay xuất sắc. Mà phải là vĩ đại nhất. Tôi thi đấu với sự giận dữ tồn tại trong lòng bởi lũ chuột đang chạy nhảy trong căn hộ của gia đình, bởi vì tôi không được xem Champions League, bởi những ánh nhìn của các vị phụ huynh khác soi xét tôi….

Tôi đã có một nhiệm vụ. Khi tôi 12 tuổi, tôi đã ghi 76 bàn chỉ trong 34 trận. Tôi ghi được chúng khi đang đi giày của bố. Khi tôi có số đo chân bằng ông ấy, cả hai chia sẻ giày với nhau.

Một ngày nọ, tôi nhận được một cuộc gọi từ ông ngoại. Ông là một trong những người quan trọng nhất cuộc đời tôi. Ông ấy chính là sự kết nối giữa tôi và cội nguồn. Đó chính là đất nước Congo, quê hương của bố và mẹ. Tôi nhấc máy và trả lời: “Yeah, cháu đang thi đấu rất tốt. Cháu đã ghi được 76 bàn và đội bóng đã giành chức vô địch. Các đội bóng lớn đang chú ý đến cháu.”

Như mọi khi, ông luôn muốn nghe tôi kể về bóng đá. Nhưng lần này, có điều gì đó không ổn. Ông nói: “Nghe này, Rom. Chuyện đó thật tuyệt. Nhưng cháu có thể giúp ông chuyện này không?”

“Yeah, chuyện gì ạ?” Tôi trả lời.

“Cháu làm ơn có thể chăm sóc con gái của ông chứ?”

Tôi cảm thấy bối rối. Ông đang có ý gì vậy?


“Mẹ cháu ư? Được ạ. Chúng ta ổn cả chứ?” Tôi đáp. 

“Không, hãy hứa với ông đi. Hãy chăm sóc con gái của ông. Hãy để ý đến nó, được chứ?”

Tôi trả lời: “Vâng, thưa ông. Cháu hiểu rồi. Cháu hứa với ông.”

Năm ngày sau đó, ông qua đời. Và tôi hiểu ông đang muốn nói điều gì.

Chuyện này khiến tôi cảm thấy buồn bã. Tôi chỉ ước ông có thể sống thêm bốn năm nữa để chứng kiến tôi khoác áo Anderlecht. Để có thể thấy tôi giữ vững lời hứa của mình. Để hiểu rằng mọi thứ đều đã ổn rồi.

Tôi đã nói với mẹ mình sẽ thành công ở tuổi 16. 

Tôi đã thực hiện được nó chậm hơn 11 ngày. Ngày 24/5/2009. Tại trận chung kết Playoff. Anderlecht đối đầu với Standard Lierge.

Đó là ngày điên rồ nhất cuộc đời của tôi. Nhưng hãy để tôi kể thêm một câu chuyện này đã. Trước mùa giải năm đó, tôi vẫn ở đội U19 của Anderlecht. HLV yêu cầu tôi vào sân và tôi đã nghĩ: “Làm sao mình có thể được kí hợp đồng chuyên nghiệp ở tuổi 16 khi vẫn còn phải ngồi dự bị ở đội U19 như thế này.”

Vì vậy, tôi đã cá với HLV của mình. Tôi đã nói: “Em đảm bảo với thầy một chuyện này. Nếu thầy sử dụng em, em sẽ ghi 25 bàn vào trước tháng 12.”

Ông ấy bật cười và cười thẳng vào mặt tôi luôn. Tôi nói tiếp: “Vậy thì hãy cá với nhau đi.”

Ông ấy đồng ý: “Ok, nếu không thể ghi được 25 bàn trước tháng 12 thì cậu ngồi dự bị tiếp nhé.”

“Được thôi, nếu em thắng thì thầy phải dọn sạch sẽ tất cả các chiếc xe ô tô chuyên đưa đón cầu thủ nhé.”

“Ok, đồng ý với thỏa thuận.” ông ấy trả lời.

“Và một thứ nữa. Thầy phải làm bánh kếp cho bọn em mỗi ngày.”

Và đó là quyết định ngu ngốc nhất ông ấy từng làm. Tôi đã ghi 25 bàn vào tháng 11. Chúng tôi được ăn bánh kếp trước cả kì nghỉ Giáng sinh. Hãy lấy đó làm một bài học.

Đừng nên đùa với một thằng nhóc đang khao khát được chứng minh bản thân!

Chú thích ảnh

Tôi đã kí bản hợp đồng cầu thủ chuyên nghiệp với Anderlecht vào ngày sinh nhật thứ 16. Tôi đi ra cửa hàng để mua đĩa FIFA và đăng kí lắp đặt truyền hình cáp. Đó là giai đoạn cuối cùng mùa giải rồi nên tôi ngồi nhà để nghỉ ngơi. Nhưng giải VĐQG Bỉ thật điên rồ vào năm đó. Anderlecht và Lierge có điểm số ngang nhau nên cần hai lượt đấu chung kết để quyết định ngôi vương.

Sau trận lượt đi, tôi vẫn chỉ theo dõi với tư cách là một CĐV. Và vào ngày trước trận đấu lượt về, tôi nhận được cuộc gọi từ HLV.

“Xin chào, Rom. Cậu đang làm gì vậy.”

“Tôi chuẩn bị ra công viên chơi bóng.”

“Không được. Thu dọn đồ đạc đi. Nhanh lên.”

“Hả? Tôi đã làm gì sai à?”

“Không, chúng tôi cần cậu đến SVĐ ngay lập tức. Đội một cần cậu.”

“Hả… Cái gì cơ? Tôi á.”

Tôi chạy thục mạng vào phòng bố và hét: “Yo! Dậy nhanh lên bố! Chúng ta cần phải đi thôi.”

Ông ấy ngạc nhiên: “Huh? Đi đâu cơ?”

Tôi hét lên: “ANDERLECHT”

Tôi không bao giờ quên cái cảnh tôi đến SVĐ và chạy vào phòng thay đồ. Người quản lí quần áo của cầu thủ hỏi: “Ê nhóc, muốn mặc áo số mấy?”

“Hãy có cháu áo số 10.” Tôi đáp.

Hahaha. Tôi không hiểu vì sao nữa. Tôi còn quá trẻ để cảm thấy sợ lúc đó. Ông ấy trả lời: “Cầu thủ từ học viện chỉ mặc áo số 30 trở lên thôi.”

“OK, ba cộng sáu bằng chín. Đó là một số đẹp đấy. Cho cháu số 36 đi.”

Đêm hôm ấy ở khách sạn, các cầu thủ ở đội một bắt tôi hát một bài trong bữa tối để chào đội. Tôi không nhớ mình hát bài gì vì đầu óc đang quay cuồng lúc đó.

Sáng hôm sau, bạn bè đến nhà tôi để rủ đi đá bóng. Mẹ tôi ra cửa: “Nó đi chơi bóng rồi.”

“Nhưng ở đâu vậy ạ?” lũ bạn hỏi

“Trong trận chung kết.” Bà trả lời.

Chiếc xe bus trở đội dừng trước SVĐ và các cầu thủ ai cũng mặc các bộ đồ sành điệu. Trừ tôi. Tôi xuống xe với một bộ đồ thể thao xấu xí và mọi máy quay đều chĩa về tôi. Quãng đường vào phòng thay đồ dài 300 mét. Mất ba phút đi bộ. Ngay khi tôi bước vào phòng thay đồ, điện thoại của tôi như sắp nổ tung. Mọi người đều thấy tôi xuất hiện trên TV mà. Tôi nhận được 25 tin nhắn chỉ sau 3 phút. Lũ bạn của tôi như hóa rồ vậy.

“Ê anh bạn? TẠI SAO CẬU LẠI CÓ MẶT Ở TRẬN NÀY VẬY?”

“Rom, chuyện gì đang diễn ra vậy? TẠI SAO CẬU LẠI XUẤT HIỆN TRÊN TV?”

Người duy nhất tôi trả lời tin nhắn là cậu bạn thân nhất.  Tôi nhắn: “Tớ không biết mình có được ra sân không. Cũng không hiểu chuyện gì đang diễn ra nữa. Nhưng hãy theo dõi nhé.”

Vào phút 63, tôi được vào sân. Tôi chạy trên sân của Anderlecht khi 16 tuổi và 11 ngày. 

Chúng tôi thua trận chung kết hôm đó nhưng tôi như thể đang ở trên thiên đàng vậy. Tôi đã có một lời hứa với mẹ và ông ngoại mà. Đó là khoảnh khắc tôi hiểu mọi thế đã ổn cả rồi.

Mùa giải tiếp đó, tôi vẫn phải hoàn thành chương trình cấp ba và được thi đấu ở Europa League. Tôi thường mang theo một túi đồ lớn đến trường để có thể ra sân bay ngay vào buổi chiều hôm đó. Chúng tôi đã giành chức vô địch một cách tuyệt đối và tôi đứng thứ hai trong danh sách “Cầu thủ Châu Phi hay nhất năm”. Mọi thứ thật điên rồ.

Tôi thực sự đã mong muốn mọi thứ diễn ra như vậy. Nhưng bất chợt, truyền thông thổi phồng tôi lên, cùng với đó là những sự kì vọng. Đặc biệt là từ ĐTQG. Vì lí do nào đó, tôi lại thi đấu khá tệ khi được lên tuyển. Mọi thứ diễn ra không đúng như ý muốn.

Nhưng này, tôi còn trẻ mà. Tôi 17 tuổi lúc đó, rồi 18, 19.

Khi mọi thứ đúng như mong đợi, tôi bắt đầu đọc được những tít báo và họ đã gọi tên Romelu Lukaku, tiền đạo người Bỉ.

Nhưng mọi thứ tồi tệ, họ sẽ chỉ nói tôi là Romelu Lukaku, một tiền đạo Bỉ gốc Congo.

Nếu bạn không thích cách tôi chơi bóng, được thôi. Nhưng tôi được sinh ra trên đất Bỉ. Tôi lớn lên ở Antwerp và ở Lierge và tiếp đó là Brussels. Tôi mơ ước được khoác áo Anderlecht. Tôi mơ ước mình được như Vincent Kompany. Tôi bắt đầu học tiếng Pháp, tiếng Hà Lan. Rồi thêm vào đó một số từ tiếng Tây Ban Ban hay Bồ Đào Nha hoặc cả Lingala. Tùy thuộc vào nơi gia đình tôi sống.

Tôi là một người Bỉ mà. 

Chúng ta đều là người Bỉ cả. Đó là lí do vì sao khiến đất nước này tuyệt vời, phải không?

Tôi không hiểu vì sao có nhiều người tại đất nước của chúng ta lại muốn tôi thất bại. Khi tôi đến Chelsea và không được thi đấu. Tôi nghe tiếng cười nhạo họ dành cho tôi. Khi tôi được cho West Brom mượn, tôi vẫn nghe thấy tiếng cười nhạo đó.

Nhưng ổn thôi. Những người đó đầu hiểu cái cảm giác phải ăn ngũ cốc trộn với nước như gia đình chúng tôi. Nếu họ không ở bên tôi khi tôi không có gì trong tay thì hiểu làm sao được chứ.

Bạn biết chuyện này nực cười thế nào không? Tôi đã bỏ lỡ 10 mùa giải Champions League khi còn nhỏ. Nhà tôi làm gì có tiền mà trả phí truyền hình. Tôi sẽ đến trường và nghe bọn bạn bàn tán về trận chung kết. Tôi có biết trận đấu đã diễn ra như thế nào đâu.  Tôi còn nhớ trận chung kết năm 2002, khi Real Madrid gặp Leverkusen, mọi người ai cũng: “Uầy, cú vô lê đó! Ôi Chúa ơi.”

Chú thích ảnh

Tôi giả vờ như mình hiểu họ đang kể về chuyện gì. Hai tuần sau, chúng tôi đang trong buổi học tin học và một người bạn đã tải video bàn thắng đó từ trên mạng về. Tôi cuối cùng cũng chứng kiến bàn thắng vào góc trái gôn của Zidane.

Mùa Hè năm đó, tôi đến nhà cậu bạn ấy để theo dõi “Người ngoài hành tinh” Ronaldo ở trận chung kết World Cup. Mọi thứ diễn ra ở giải đấu ấy mà tôi biết được đều chỉ là các câu chuyện từ lũ bạn. Ha, tôi vẫn nhớ mình thủng một cái lỗ to đùng ở trên giày. 

12 năm sau đó, tôi đang được chơi bóng ở World Cup. 

Và giờ, tôi được tham dự một kì World Cup nữa và bạn biết không? Tôi sẽ tận hưởng giải đấu này. Cuộc đời quá ngắn để luôn phải suy nghĩ và mệt mỏi. Mọi người muốn nói gì về đội tuyển và tôi cũng được. Nghe này, khi tôi chỉ là một đứa trẻ, tôi còn không được xem Thierry Henry trong chương trình Match of the Day.  Và giờ, tôi được gặp anh ấy mỗi ngày ở ĐTQG.  Tôi được đứng cạnh một huyền thoại, bằng xương bằng thịt và dạy tôi kĩ năng tận dụng không gian mà anh ấy từng làm. Thiery có lẽ là người duy nhất trên thế giới này xem bóng đá nhiều hơn tôi. Chúng tôi thảo luận về nhiều thứ. Chúng tôi ngồi và tranh luận về giải hạng hai của nước Đức.

“Thiery,  anh có xem thế trận của đội Fortuna Düsseldorf không?”

“Đừng vậy chứ, tất nhiên là tôi có xem rồi,” anh ấy đáp.

Đó là điều tuyệt nhất mà tôi được trải nghiệm. Tôi thựnguowifmong ông ngoại có thể ở đây và chứng kiến chuyện này. Tôi không nói về Premier League hay Manchester United đâu. Hay về Champions League hoặc World Cup.

Đó không phải là thứ mà tôi muốn nhắc đến. Tôi chỉ muốn ông có thể thấy cuộc sống của gia đình chúng tôi đang như thế nào. Tôi ước mình có thể gọi thêm một cuộc điện thoại nữa và chia sẻ với ông.

“Thấy chưa? Cháu đã nói với ông rồi mà. Con gái ông sẽ ổn. Không còn chuột chạy trong nhà nữa. Không còn phải ngủ dưới sàn. Không còn mệt mỏi. Mọi người đều ổn. Ổn cả rồi…”

“…Họ không còn bắt cháu trình chứng minh thư nữa. Họ đã biết tên của cháu rồi.”

Hà Sơn (Theo Theplayerstribune)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm