135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cuộc gặp tình cờ giữa hai nhà tư tưởng lớn của thế kỷ 20

12/05/2025 15:06 GMT+7 | Văn hoá

Đối với bất kỳ du khách nào đặt chân đến thành phố Tel Aviv sôi động, Bảo tàng Ben Gurion là điểm đến không thể bỏ qua, đặc biệt với những ai muốn khám phá sâu sắc lịch sử và di sản của Israel. 

Nơi đây không chỉ là một bảo tàng thông thường, mà còn là một di tích sống động, tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của David Ben Gurion, người sáng lập Nhà nước Israel và là Thủ tướng đầu tiên của quốc gia này.

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cuộc gặp tình cờ giữa hai nhà tư tưởng lớn của thế kỷ 20 - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: TTXVN

Bảo tàng David Ben Gurion không chỉ trưng bày những kỷ vật cá nhân của ông mà còn kể lại cuộc đời và sự nghiệp của một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất trong lịch sử Nhà nước Israel. Bảo tàng không chỉ tập trung vào Ben Gurion mà còn cung cấp một cái nhìn toàn diện về quá trình hình thành Nhà nước Israel, khắc họa những thách thức mà quốc gia này phải đối mặt trong những năm đầu lập quốc, từ cuộc đấu tranh giành độc lập đến công cuộc xây dựng đất nước trong bối cảnh chính trị đầy biến động.

Tọa lạc ngay trong ngôi nhà mà Thủ tướng Ben Gurion đã sống trong những năm cuối đời, bảo tàng mang đến cho du khách một trải nghiệm độc đáo, cho phép họ bước vào không gian sống của một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất của thế kỷ 20. Các hiện vật trưng bày đa dạng, từ các bài viết, hình ảnh, tài liệu ghi âm đến những vật dụng cá nhân của Ben Gurion và những người cùng thời, giúp du khách hiểu rõ hơn về các chính sách, tầm nhìn và ảnh hưởng của ông đối với sự phát triển của Nhà nước Israel.

Trong quá trình tìm hiểu về vị Thủ tướng đầu tiên của Israel, phóng viên TTXVN tại Israel đã khám phá ra một mối liên hệ đặc biệt giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ben Gurion. Theo các tài liệu và báo chí Israel, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp gỡ tình cờ vào năm 1946 tại khách sạn Royal Monceau ở Paris (Pháp) khi cả hai đều đang tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế cho cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc mình. Bị thu hút bởi lịch sử và tinh thần đấu tranh kiên cường vì tự do, hai nhà lãnh đạo đã có những cuộc trò chuyện thân mật kéo dài khoảng hai tuần.

Thời điểm đó, ông Ben Gurion, với tư cách là lãnh đạo Cơ quan Do Thái, đang suy tư về các bước đi tiếp theo của tổ chức mình sau sự kiện "Thứ Bảy đen tối" - vụ bắt giữ 3.000 người Do Thái và niêm phong các tòa nhà của Cơ quan Do Thái.

Paris, vào những năm đầu sau chiến tranh, là trung tâm hoạt động của phong trào phục quốc Do Thái ở châu Âu. Tại đây, ông Ben Gurion đã giúp điều phối cuộc di cư của những người Do Thái sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust, những người mà ông hy vọng sẽ đóng góp vào việc thành lập một nhà nước Do Thái mới.

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cuộc gặp tình cờ giữa hai nhà tư tưởng lớn của thế kỷ 20 - Ảnh 2.

Được xây dựng từ năm 1930 đến năm 1931, ngôi nhà khiêm tốn trên đường ra biển này là nơi ở tại Tel Aviv của Thủ tướng Ben Gurion và phu nhân Paula. Ảnh: Thanh Bình-PV TTXVN tại Israel

Điều thú vị là, căn phòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đó là Thủ tướng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập, nằm ngay tầng trên căn phòng của Thủ tướng Ben Gurion tại khách sạn Le Royal Monceau. Mùa Hè năm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Paris để tham gia các cuộc đàm phán Fontainebleau về nền độc lập của Việt Nam.

Theo lời kể sau này của Thủ tướng Ben Gurion với cựu phóng viên nổi tiếng người Israel Maariv Shmuel Segev, người sau này viết một cuốn sách về Việt Nam, rằng trong hai tuần đó, mỗi ngày, ông và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gặp nhau để trao đổi quan điểm về con đường giành độc lập của dân tộc mình. Ông nhớ lại rằng: "Ông ấy (Chủ tịch Hồ Chí Minh) tạo cho người ta ấn tượng là một người dễ mến, một nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa, đấu tranh cho độc lập dân tộc của người dân mình".

Thủ tướng Ben Gurion cũng kể lại cách ông có thể đánh giá tiến trình đàm phán của Việt Nam với Pháp thông qua chiều dài tấm thảm đỏ trước căn phòng của Bác. Lúc đầu, thảm đỏ trải dài từ đường phố đến tận cửa phòng... Theo từng giai đoạn, thảm đỏ được gỡ bỏ khỏi vỉa hè bên ngoài, tiền sảnh và cầu thang. Khi tấm thảm bên ngoài cửa phòng ông ấy được gỡ bỏ, ông biết rằng các cuộc đàm phán đã thất bại. Vài giờ sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến phòng ông để nói lời tạm biệt với vẻ mệt mỏi và thất vọng. Bác đã nói với Thủ tướng Gurion rằng "không còn gì ngoài việc phải chiến đấu". Vài tháng sau, Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất bắt đầu giữa lực lượng Việt Nam và Pháp.

Dù không dẫn đến hợp tác cụ thể giữa Việt Nam và Israel vào thời điểm đó, cuộc gặp là một minh chứng cho tầm nhìn quốc tế và tinh thần đoàn kết với các phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, điều này cũng cho thấy cả hai nhà lãnh đạo đều là những người cách mạng có lý tưởng và mục tiêu độc lập dân tộc rõ ràng.

Với nhiều người Israel, dù chưa từng đến Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân vật lịch sử lớn có ảnh hưởng quốc tế. Theo họ, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo kiên cường, thông minh và có tầm nhìn xa. Người không chỉ đấu tranh cho độc lập dân tộc mà còn truyền cảm hứng cho các phong trào giải phóng dân tộc khác trên thế giới. Câu chuyện về sự kiên trì, sự hy sinh và quyết tâm của Người có thể là nguồn cảm hứng cho nhiều người ở các quốc gia khác nhau, trong đó có Israel.

Việt Nam và Israel đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào ngày 12/7/1993, sau đó Israel mở đại sứ quán tại thủ đô Hà Nội vào tháng 12/1993. Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Israel, ông Đinh Xuân Lưu, đã trình quốc thư đến Tổng thống Israel Shimon Peres ngày 8/7/2009. Những hồi ức của Thủ tướng Ben Gurion về cuộc gặp gỡ tại Paris với người đàn ông Việt Nam cao gầy, đôi mắt sáng và vầng trán cao đã làm nổi bật sự hội tụ của hai phong trào cách mạng tại cùng một nơi và đưa ra góc nhìn độc đáo về một trong những giai đoạn quan trọng nhất trong thế kỷ 20.

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cuộc gặp tình cờ giữa hai nhà tư tưởng lớn của thế kỷ 20 - Ảnh 3.

Bảo tàng có nhiều triển lãm đa dạng, từ các bài viết, hình ảnh, tài liệu ghi âm, đến các hiện vật cá nhân của Ben Gurion và những người đương thời với ông. Ảnh: Thanh Bình-PV TTXVN tại Israel

Cũng từ câu chuyện lịch sử trên, năm 2020, Bào tàng Hồ Chí Minh và Viện Di sản Ben Gurion đã k‎ết thỏa thuận hợp tác nhằm nghiên cứu và tổ chức các triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của hai nhà lãnh đao, góp phần tằng cường sự hiểu biết lần nhau giữa người dân Việt Nam và Israel.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm