03/04/2025 19:49 GMT+7 | Tin tức 24h
Nhớ về Giáo sư Đặng Văn Ngữ là nhớ về một người Việt Nam yêu nước, một nhà khoa học, một bác sĩ đã từ bỏ các điều kiện, vật chất "trong mơ" đối với người làm khoa học, để vượt qua muôn vàn khó khăn tìm đường về nước phục vụ kháng chiến, phục vụ quân đội, phục vụ nhân dân.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đã sáng chế thành công kháng sinh Penicillin - thứ nước kỳ diệu đã cứu biết bao thương binh khỏi tử vong vì nhiễm trùng vết thương. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ông nghiên cứu về vaccine phòng chống sốt rét và hy sinh trong khi đang nghiên cứu về vaccine này tại chiến trường.
Bác sĩ Đặng Văn Ngữ - "Giáo sư Penicillin"
Sinh ngày 4/4/1910, trong một gia đình nhà nho ở làng An Cựu, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là Thành phố Huế), thuở nhỏ, cậu bé Đặng Văn Ngữ được gia đình cho học Tiểu học ở Vinh, Trung học ở Huế, đỗ đầu trong kỳ thi tốt nghiệp và học tiếp tại Hà Nội. Năm 20 tuổi, ông đỗ cả Tú tài bản xứ lẫn Tú tài Pháp và nhận học bổng theo học tại trường Y Đông Dương (tiền thân của trường Đại học Y Hà Nội sau này).
Năm 1937, ông bảo vệ thành công Luận án áp-xe gan và tốt nghiệp bác sĩ Y khoa. Với thành tích học tập xuất sắc, bác sĩ Đặng Văn Ngữ trở thành người Việt Nam đầu tiên được giữ lại trường làm trợ lý cho Giáo sư, bác sĩ người Pháp Henry Galliard - Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng kiêm Hiệu trưởng trường Y Đông Dương.
GS Đặng Văn Ngữ tại khoa Ký sinh trùng. Ảnh: TL
Năm 1942, ông làm Trưởng phòng thí nghiệm ký sinh trùng và là giảng viên Sinh học Ban Dược. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu khoa học và công bố 19 công trình nghiên cứu có giá trị trong lĩnh vực y học nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Vì vậy, năm 1943, ông được chọn đi du học ở trường Đại học Y khoa Tokyo (Nhật Bản) với tiêu chuẩn "là người có trình độ cao, hiện đại, xứng đáng cho nền Y học của Pháp ở Việt Nam". Trong thời gian học tập và làm việc tại Nhật Bản từ năm 1943 đến năm 1948, ông đã học và nghiên cứu về nấm và men gây bệnh, về bệnh lao và bệnh phong (bệnh hủi), về vi trùng đường ruột...
Đặc biệt, trong hai năm 1947 và 1948, tại Quân Y viện 406 của Mỹ ở Nhật Bản, bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã tìm ra giống nấm sản xuất Penicillin và công bố 4 công trình khoa học có giá trị là: "Xác định loại nấm có tính kháng sinh cao", " Xác định công thức kháng sinh nguyên Salmonella", "Đặc điểm tiến hóa của D. Mansoni" và "Hoàn chỉnh một số xét nghiệm miễn dịch để chẩn đoán". Trong thời gian đó, người Pháp, người Nhật và cả người Mỹ đều muốn trọng dụng tài năng của ông, nhưng bác sĩ Đặng Văn Ngữ luôn nghĩ mình là người Việt Nam làm sao có thể yên tâm làm việc và nhận các đãi ngộ vật chất khi nhân dân đang gian khổ, hy sinh cho cuộc kháng chiến trường kỳ, giành độc lập của dân tộc.
Chính vì vậy, giống như nhiều trí thức khác, năm 1949, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác sĩ Đặng Văn Ngữ trở về nước để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Hành trang về nước của ông chỉ đơn giản có một tấm lòng, một tài năng sẵn sàng hiến dâng cho đất nước cùng vài bộ quần áo và ống Souche Penicillium (giống Penicillium) để điều chế thuốc kháng sinh Penicillin sau này.
Năm 1950, trong phòng thí nghiệm đơn sơ, thiếu thốn cả nhân lực lẫn vật lực giữa núi rừng Việt Bắc (tỉnh Tuyên Quang), bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã dồn hết tâm sức để nghiên cứu và sản xuất thành công Penicillin kết tinh (bột) và "nước lọc Penicillin", chế từ giống nấm ông đem ở Nhật Bản về, phục vụ kịp thời cho thương, bệnh binh trên các chiến trường. Quá trình nghiên cứu đầy khó khăn này từng được ông chia sẻ trong hồi ký: "Chúng tôi không ngồi đợi có đầy đủ phương tiện mới nghiên cứu. Không có bàn, chúng tôi bầy mễ làm việc. Cân chính xác thiếu, chúng tôi đo bằng lối so thể tích. Ống tre thay cho eprouvette, đĩa là boite de Pétri, cylinder chỉ là những ống sậy. Cứ như thế, chúng tôi cọc cạch làm việc…Ngày ngày tôi cấy hàng trăm cái nấm lấy ở ống giống ra để thử với vi trùng. Nhưng ngày nào cũng như ngày nào, vi trùng đều mọc quanh cái nấm chứng tỏ rằng nấm không còn có tác dụng nữa. Đêm đến, vấn đề nấm đeo đuổi tôi mãi không ngủ được...".
Chỉ bằng những phương tiện nghiên cứu thô sơ và những nguyên liệu dễ kiếm như thân cây ngô, "nước lọc Penicillin" của bác sĩ Đặng Văn Ngữ được sản xuất tại chỗ ở nhiều địa phương và đi khắp các trạm phẫu thuật ở tiền tuyến. Nhờ thứ nước kỳ diệu này, nhiều thương binh được chữa khỏi, không bị cưa chân tay, thậm chí thoát khỏi nguy cơ tử vong vì nhiễm trùng vết thương.
Giáo sư Tôn Thất Tùng từng ca ngợi: "Mỗi chiến dịch, quân y đưa ra tiền tuyến một tổ Penicillin để sản xuất kháng sinh dùng ngay trên mặt trận. Đây là một thành tích kỳ diệu mà từ xưa đến nay, trong các cuộc chiến tranh du kích chưa ai làm được như vậy với những dụng cụ thô sơ, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn".
Với công trình nghiên cứu này, Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ được Bác Hồ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Ông cũng là một trong 45 Giáo sư đầu tiên của Việt Nam được Bác Hồ ký quyết định phong tặng vào năm 1955.
Người đặt nền móng cho ngành Ký sinh trùng Việt Nam
Không chỉ thành công trong việc nghiên cứu và sản xuất thuốc kháng sinh Penicillin tại Việt Nam, năm 1957, Giáo sư Đặng Văn Ngữ đã sáng lập ra Viện Sốt rét (nay là Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) và là Viện trưởng đầu tiên. Ông đã tổ chức xây dựng ngành Ký sinh trùng Việt Nam và đào tạo nhiều cán bộ giỏi.
Giáo sư Đặng Văn Ngữ đã lãnh đạo Bộ môn Ký sinh trùng, Tổ côn trùng của Ủy ban Khoa học Nhà nước và Viện điều tra liên tục 10 năm ở phạm vì rất rộng về bức tranh toàn cảnh ký sinh trùng miền Bắc, với tổng kết chưa từng có công bố trong: "15 năm ngành Ký sinh trùng học ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" (1965). Nhiều nhánh điều tra của ông là cách kết hợp cả hai nền y học cổ truyền và hiện đại, được tập hợp để viết thành cuốn sách nổi tiếng "Muỗi Culicinae ở nội ngoại thành Hà Nội" xuất bản năm 1960.
Cuốn sách tranh "Đặng Văn Ngữ - Tận hiến cả cuộc đời" vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành - Ảnh: NXB Kim Đồng
Giáo sư Đặng Văn Ngữ còn là một trong những người công tiêu diệt bệnh sốt rét đang hoành hành ở miền Bắc lúc đó. Suốt 8 năm, ông đã đi khảo sát khắp các vùng từ Tây Bắc, Việt Bắc đến Quảng Bình, Vĩnh Linh; đồng thời xây dựng kế hoạch tiêu diệt bệnh sốt rét đang phổ biến ở miền Bắc cũng như trên các chiến trường, giảm thiểu tổn thất về sức khoẻ và sinh mạng cho người dân, bộ đội và thanh niên xung phong.
Năm 1964, ông đã tìm ra muỗi An.sinensis - thủ phạm chính gây bệnh sốt rét và triển khai các phương pháp phòng, diệt bệnh. Cuối năm 1964, bệnh sốt rét, vốn chiếm tới 90-100% dân số ở một số vùng nông thôn, miền núi ở miền Bắc, đã bị đẩy lùi xuống còn 20%. Đây là một thành quả rất đáng tự hào.
Nhưng thời gian sau đó, bệnh sốt rét có nguy cơ lan rộng từ miền Nam ra miền Bắc, đe dọa những thành quả tiêu diệt bệnh đã đạt được. Ngày ấy, sốt rét là thứ bệnh phổ biến ở Trường Sơn, nhất là vào mùa mưa. Không có thuốc đặc trị, nhiều chiến sĩ thậm chí còn chưa kịp cầm súng ra mặt trận đã chết vì bệnh sốt rét. Những tin tức về con số thương vong lớn do bệnh sốt rét gây ra cho bộ đội ta ở chiến trường càng làm Giáo sư Đặng Văn Ngữ day dứt không yên. Ông quyết định lập một đội công tác vào chiến trường Trị-Thiên để nghiên cứu tại chỗ một loại vaccine chống sốt rét cho bộ đội và lập một vành đai miễn dịch cách ly hai miền Nam - Bắc. Nhưng việc một Giáo sư đầu ngành, đang là Viện trưởng lại xin đi vào nơi mưa bom bão đạn để trực tiếp nghiên cứu không nhận được sự đồng thuận. Giáo sư Đặng Văn Ngữ đã trực tiếp gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng để xin phép vào chiến trường nghiên cứu vaccine chống sốt rét.
Tết Nguyên đán năm 1967, Giáo sư Đặng Văn Ngữ cùng với 12 y bác sĩ lên đường vào chiến khu Trị Thiên Huế để nghiên cứu vaccine phòng bệnh sốt rét, chữa bệnh tại chỗ cho bộ đội và thử nghiệm hiệu quả của vaccine sốt rét. Giáo sư và các y bác sĩ đi cùng đã trực tiếp dùng tay, chân của mình làm mồi cho muỗi hút máu để bắt muỗi sống nghiên cứu. Dù biết bắt muỗi bằng cách này có thể bị sốt rét nhưng không ai ngần ngại và đêm nào cũng hăng hái đi bắt.
Ngày 1/4/1967, Giáo sư Đặng Văn Ngữ đã hy sinh sau loạt bom B.52 rải thảm của máy bay Mỹ xuống chiến trường Thừa Thiên Huế.
Ghi nhận những cống hiến của ông, năm 1996, Giáo sư Đặng Văn Ngữ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1. Tên của ông được đặt cho nhiều trường học, đường phố tại Hà Hội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Bình,...
Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh - con trai của Giáo sư Đặng Văn Ngữ, một trong những đạo diễn hàng đầu của điện ảnh Việt Nam với những bộ phim nổi tiếng như: "Bao giờ cho đến tháng Mười", "Thương nhớ đồng quê", "Mùa ổi", "Đừng đốt" - từng nói về cuộc đời của cha mình: "Khi còn sống cho đến khi mất, cha tôi đúng nghĩa là một trí thức vô sản, đã làm đúng tinh thần như Bác Hồ dạy, chí công vô tư. Cả cuộc đời cụ sống và cống hiến cho khoa học với tất cả niềm say mê, không đòi hỏi bất kỳ điều gì cho bản thân, cho gia đình, con cái. Với cụ, được phục vụ Tổ quốc, nhân dân, cứu người là niềm hạnh phúc lớn nhất".
Sơ lược về Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ:
- Sinh ngày 4/4/1910 tại làng An Cựu, Huế
- Năm 1940: Giảng dạy sinh học đầu tiên ở trường Đại học Y Hà Nội
- Năm 1942: Trưởng phòng thí nghiệm Ký sinh trùng và công bố 19 công trình nghiên cứu khoa học nổi tiếng
- Năm 1943: Được chọn đi du học tại Nhật Bản
- Năm 1949: Quay trở về Việt Nam tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
- Năm 1950: Nghiên cứu thành công cách sản xuất ra thuốc Penicillin - loại kháng sinh đóng vai trò to lớn trong điều trị chống nhiễm khuẩn
- Năm 1957: Sáng lập ra Viện Sốt rét (nay là Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương)
- Năm 1955-1967: Nghiên cứu vaccine phòng chống và điều trị bệnh sốt rét
- 1/4/1967: Hy sinh trong một trận B52 rải thảm ở Trường Sơn trong khi đang nghiên cứu về vaccine chống sốt rét.
* Năm 1955: Là một trong 45 Giáo sư đầu tiên của Việt Nam được Bác Hồ ký quyết định phong tặng.
- Năm 1967: Được truy tặng Danh hiệu Anh hùng lao động.
- Năm 1996: Được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học, công nghệ (đợt 1), lĩnh vực khoa học Y-Dược về sản xuất "nước lọc" Penicillin trong điều trị vết thương và điều tra, nghiên cứu về vaccine phòng chống sốt rét ở Việt Nam.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất